Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

'Sóng gió gia tộc' Korean Air: Đại tiểu thư bạo hành chồng, lập bè kết phái giành lại 'ngai vàng' từ em trai bất chấp sản nghiệp bị chao đảo

Cho Yang Ho (1949 - 2019) lúc sinh thời là một doanh nhân tiếng tăm trên thương trường Hàn Quốc, giữ chức chủ tịch tập đoàn vận tải Hanjin, chủ tịch kiêm CEO hãng hàng không Korean Air, thành viên sáng lập nên SkyTeam - một trong ba liên minh hàng không lớn nhất thế giới.

Tuy vươn đến đỉnh cao của tiền tài và quyền lực, nhà họ Cho cũng được xem là gia tộc chaebol tai tiếng nhất xứ sở kim chi, liên tục tranh đấu xào xáo khiến dân tình ngán ngẩm.

Sóng gió gia tộc Korean Air: Đại tiểu thư bạo hành chồng, lập bè kết phái giành lại ngai vàng từ em trai bất chấp sản nghiệp bị chao đảo - Ảnh 1.

Gia tộc họ Cho nắm giữ tập đoàn Hanjin và Korean Air (Ảnh: Yonhap)

"Sóng gió gia tộc" dồn dập của nhà họ Cho

Đầu tiên là bê bối của đại tiểu thư Cho Hyun Ah (sinh năm 1974) vào năm 2014. Lúc đó, người phụ nữ này đã vươn tới chức phó chủ tịch tập đoàn. Khi lên máy bay Korean Air, bà nạt nộ phi hành đoàn vì phục vụ hạt mắc-ca trong túi thay vì bày biện ra đĩa. Sau đó, bà còn đuổi thẳng tiếp viên trưởng, khiến máy bay bị muộn 11 phút so với dự kiến.

Sự việc thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, kéo theo cơ quan an ninh vào cuộc điều tra và buộc tội ái nữ họ Cho vi phạm luật hàng không, phạt tù 1 năm. Từ đó, danh tiếng của Cho Hyun Ah bị vấy bẩn mãi mãi, thường được mỉa mai bằng các biệt danh như "công chúa hạt mắc-ca" hay "vụ hạt mắc-ca nổi giận".

Sóng gió gia tộc Korean Air: Đại tiểu thư bạo hành chồng, lập bè kết phái giành lại ngai vàng từ em trai bất chấp sản nghiệp bị chao đảo - Ảnh 2.

Cho Hyun Ah đối mặt với búa rìu dư luận sau vụ hạt mắc-ca (Ảnh: AFP)

Sau khi nhà họ Cho và báo chí Hàn tạm thời "buông tha" cho nhau khoảng 4 năm thì lại xuất hiện "liên hoàn phốt". Tháng 4/2018, con gái út Cho Hyun Min (sinh năm 1983) có thái độ phách lối, thẳng tay hắt nước vào mặt một nhân viên cấp dưới. Vài ngày sau, phu nhân chủ tịch Lee Myung Hee liên tiếp xúc phạm các nhân viên xây dựng và nhân viên khách sạn. Một tháng sau, quý tử Cho Won Tae (sinh năm 1976) vướng vào lùm xùm nhập học trái phép vào Đại học Inha từ 21 năm trước nhưng không bị buộc tội.

Bước sang năm 2019, chủ tịch Cho Yang Ho bị "hất cẳng" khỏi hội đồng quản trị Korean Air sau phiên dịch quá nhiều vụ tai tiếng của bản thân ông và gia đình. Thậm chí, đây còn xem là chiến thắng mang tính biểu tượng, rằng tầng lớp chaebol không phải tạo ra sóng gió gì rồi cũng được thoái lui an toàn. Đến tháng 9, chủ tịch Cho qua đời tại Mỹ, khép lại một chặng đường đầy thăng trầm của Hanjin và Korean Air.

Con gái út Cho Hyun Min và mẹ Lee Myung Hee cũng không phải dạng vừa (Ảnh: Yonhap, SBS)

Korean Air khởi đầu thập kỷ mới không thể "drama" hơn: Kinh doanh lao đao vì đại dịch, chị em tranh quyền đoạt vị

Chaebol được định nghĩa như các tập đoàn "quá lớn để có thể sụp đổ", nhưng điều đó không còn đúng trong đại dịch Covid-19. Hãng bay lớn nhất Hàn Quốc đã phải hủy bỏ vô số hành trình và buộc nhân sự nghỉ việc không lương, đến bộ phận lãnh đạo cũng bị cắt giảm thu nhập.

Song song đó, cuộc chiến tranh giành sản nghiệp kéo dài hàng tháng trời giữa chị em họ Cho cũng mới đi đến hồi kết. Trước đó, khi bố qua đời, người em trai Cho Won Tae đã tiếp quản đế chế kinh doanh. Nhưng "công chúa mắc-ca" Cho Hyun Ah không hài lòng. Bà thành lập một liên minh được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư lớn KCGI và công ty xây dựng Bando, âm mưu lật đổ em trai. Họ kêu gọi Cho Won Tae từ chức vì "liên tục mắc phải sai lầm", khiến Korean Air lỗ lũy kế 1,74 nghìn tỷ Won (1,4 tỷ USD) chỉ trong vòng 5 năm.

Sóng gió gia tộc Korean Air: Đại tiểu thư bạo hành chồng, lập bè kết phái giành lại ngai vàng từ em trai bất chấp sản nghiệp bị chao đảo - Ảnh 4.

Cho rằng công ty đang "lâm nguy", người chị Hyun Ah muốn em trai nhường lại ghế chủ tịch Hanjin và Korean Air (Ảnh: Pulse)

"Người ta không thể điều hành công ty chỉ vì trót sinh ra là cháu nội của nhà sáng lập" - Lee Seung Hoon, người đứng đầu quỹ KCGI thẳng thắng chỉ trích năng lực của Won Tae, hậu duệ đời thứ ba của nhà sáng lập Hanjin. Kỳ thực, việc kinh doanh của gia tộc này đã trắc trở suốt thời gian dài. Ví dụ như công ty con Hanjin Shipping từng là hãng tàu Top 10 của thế giới, đã phá sản năm 2017.

Tuy vậy, trong cuộc họp cổ đông thường niên ngày 27/3 vừa qua, Won Tae một lần nữa vượt qua sự thách thức của chị gái và giữ vững "ngai vàng". Ông nhận được sự ủng hộ của gia đình và cả đối tác từ Mỹ, hãng Delta Air Lines. Cuối cùng, đương kim chủ tịch thu về 56,67% phiếu thuận từ các cổ đông, một chiến thắng an toàn nhưng không được vẻ vang cho lắm. Về phần Cho Hyun Ah, dù sao vị tiểu thư này cũng còn nhiều phiên tòa phải tham dự.

Sự nghiệp lẫn hôn nhân đều không viên mãn, Cho Hyun Ah còn bạo hành chồng con?

Ngày 20/2/2019, Cho Hyun Ah bị chính người "đầu ấp tay gối" đâm đơn kiện vì hành hung chồng và các con. Người chồng họ Kim (trước đây truyền thông Hàn đưa tin là họ Park) cho rằng sau khi ra tù từ năm 2015, bà Cho thường xuyên tấn công gây thương tích và có lời nói xúc phạm đến gia đình, bao gồm hai con trai sinh đôi.

Ông Kim khi đó đã nộp nhiều hình ảnh cùng clip hiện trường bạo hành cho cảnh sát, bao gồm hình ảnh vết thương trên cổ và ngón chân. Ngoài ra, trong một clip được đài KBS phát sóng, bà Cho được cho là hét lên "Chết! Chết đi!" với chồng, sau đó siết cổ và ném máy tính bảng khiến ông bị thương ở chân.

Ông Kim vốn là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, quen biết với bà Cho từ hồi tiểu học và kết hôn vào năm 2010. Cặp đôi đã nộp đơn ly dị từ tháng 4/2018 và vẫn đang chờ Tòa án Gia đình Seoul thụ lý.

Chàng rể thường dân bước chân vào nhà hào môn rồi cuối cùng kéo nhau ra tòa.

V ụ kiện bạo hành đã hoàn tất xét xử ở Seoul trong tuần này, theo thẩm phán In Jin Sup nói với báo Korean Times vào ngày 30/4. Tòa tuyên bố Cho Hyun Ah hành hung chồng và yêu cầu nộp phạt 30 triệu Won (gần 583 triệu đồng), tuy nhiên việc la mắng và ném muỗng vào các con không bị kết tội.

Phía bà Cho không rõ có kháng cáo hay không, nhưng người chồng họ Kim đã lập tức phản đối quyết định của tòa, cho rằng hai con của mình bị ngược đãi nghiêm trọng và Cho Hyan Ah phải chịu hình phạt thích đáng.

Xem ra đại tiểu thư nhà họ Cho đã khởi đầu năm 2020 không hề suôn sẻ. Hơn nữa, trong lúc em trai Cho Won Tae đang chật vật lèo lái công ty thì bất kỳ vụ lùm xùm nào của Korean Air cũng là điều vô cùng đáng tiếc.

"Ông Cho đã thành công trở thành truyền nhân đời thứ 3 của tập đoàn Hanjin, và giờ phải chứng minh cho các cổ đông thấy được những vụ ồn ào của gia đình mình sẽ không bao giờ lặp lại" - giáo sư Kim Dae-jong từ ĐH Sejong nhận định. Tuy nhiên, câu hỏi là chủ tịch Cho có "kìm" nổi người chị cá tính của mình hay không, giữa bối cảnh công chúng Hàn Quốc ngày càng nhạy cảm và phản ứng gay gắt với các vụ bê bối trong giới tài phiệt.

(Theo Korean Times, AFP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét